Tại sao giá vàng tăng chóng mặt?

Share on FacebookShare on Google+Tweet about this on TwitterShare on LinkedIn
Cập nhật: 10/6/2010 - Số lượt đọc: 10630

Vị trí độc tôn của vàng trong các nền văn hóa, tâm lý của giới đầu tư và sự bất lực của các ngân hàng trung ương khiến giá của thứ kim loại này liên tục tăng.

Dưới đây là bài nhận định của Financial Times về đường đi của giá vàng trong quá khứ và xu hướng trong tương lai.

Trong vòng 10 năm qua giá vàng tăng gấp 5 lần và vừa đạt mức cao nhất mọi thời đại: trên 1.290 USD/ounce vào ngày 22/9. Giới đầu tư dự đoán giá vàng sẽ tiếp tục leo thang trong khoảng thời gian từ nay tới cuối năm. Thậm chí nhiều người còn khẳng định rằng, nếu tính tới tỷ lệ lạm phát, trong vài năm tới giá vàng có thể lên tới 2.250 USD/ounce.

Một trong những nguyên nhân khiến vàng tăng giá là mối lo ngại của giới đầu tư đối với sự leo thang không ngừng của lạm phát. Trong thời gian gần đây, dư luận không còn lo lắng về lạm phát mà lại sợ giảm phát. Nhưng cho dù nền kinh tế rơi vào tình trạng lạm phát hay giảm phát thì giá vàng vẫn tiếp tục tăng.

Vàng không giúp bất kỳ quốc gia nào chống lại lạm phát hay giảm phát, song nó luôn là thứ an toàn nhất khi nền kinh tế rơi vào giai đoạn khó khăn. Nhưng nhiều người không hiểu tại sao hình ảnh của vàng gắn liền với lạm phát nhiều hơn so với giảm phát. Lý do rất đơn giản: Trong lịch sử kinh tế thế giới loài người gặp nhiều khó khăn hơn trong việc đối phó với lạm phát, chứ không phải giảm phát.

Ngày nay, nếu các ngân hàng trung ương trên thế giới chỉ phải giải quyết lạm phát hoặc giảm phát, trong phần lớn thời gian các nhà lãnh đạo của chúng sẽ chọn lạm phát. Những “vũ khí” để chống lạm phát luôn sẵn có và dễ sử dụng hơn nhiều so với những biện pháp ngăn chặn giảm phát.

Mặc dù vậy, đối với các ngân hàng trung ương, hậu quả đáng sợ nhất trong cuộc chiến chống lạm phát lại là giảm phát. Nhật Bản là nơi cung cấp bài học quý báu nhất về tác động của giảm phát. Trong những năm đầu thập niên 90, giới chức Nhật Bản tìm mọi cách để làm xẹp bong bóng bất động sản. Hậu quả là giá cả của mọi mặt hàng giảm vượt mức mong đợi. Tình trạng giảm giá dẫn tới một giai đoạn kinh tế trì trệ mà người Nhật gọi là “thập kỷ bị đánh cắp”. Ngày nay người ta vẫn còn cảm nhận được tác động của tình trạng giảm phát trong thập niên 90.

Những năm cuối thập niên 70 là giai đoạn gần đây nhất mà trong đó giá vàng tăng liên tục trong thời gian dài. Nguyên nhân là nền kinh tế toàn cầu chao đảo bởi sự leo thang chóng mặt của giá dầu mỏ. Giá dầu tăng khiến tỷ lệ lạm phát vọt lên rất nhanh. Vào tháng 1/1980, giá vàng đạt mức cao nhất trong giai đoạn từ đó trở về trước: 850 USD/ounce.

Tuy nhiên, với những nỗ lực chống lạm phát quyết liệt và đúng đắn của Cục Dự trữ liên bang Mỹ và Ngân hàng trung ương Đức, lạm phát đã bị đẩy lùi và giá vàng cũng tụt xuống mức 250 USD/ounce vào những năm cuối thập niên 90.

Lãi suất thấp là một trong những nguyên nhân khiến giá vàng liên tục tăng trong những năm gần đây. Khi lãi suất giảm, ham muốn đầu tư và chi tiêu của người dân sẽ tăng. Ngoài ra các chuyên gia kinh tế còn nhắc tới một nguyên nhân khác. Đó là người dân không còn nghĩ ngân hàng trung ương có khả năng điều khiển giá vàng như trong thập niên 90 nữa. Nguy cơ vỡ nợ của nhiều quốc gia và sự bất ổn của các đồng tiền chủ chốt cũng khiến giới đầu tư đua nhau tích trữ vàng.

Mọi người coi vàng là thứ đáng giữ nhất mỗi khi hệ thống tài chính thế giới và quốc gia lâm nguy. Nhưng một câu hỏi được đặt ra: Tại sao người dân đổ xô đi mua vàng trong giai đoạn kinh tế bất ổn mà chứ phải là bất kỳ kim loại quý hay hàng hóa nào khác?

Trên thực tế thì bạch kim mới là thứ hiếm hơn vàng. Chưa có mỏ bạch kim lớn nào từng được phát hiện trên toàn thế giới. Sản lượng hàng năm của bạch kim chiếm 7,5% so với sản lượng vàng. Nhưng giá của bạch kim chỉ phụ thuộc vào những biến động cung, cầu và giá của những kim loại quan trọng khác – như đồng và kẽm.

Giới phân tích chỉ ra rằng vàng không phải kim loại quý hiếm nhất nhưng vẫn lên ngôi cao trong các cuộc khủng hoảng vì nó khống chế được tâm lý của người dân. Vàng là đơn vị tiền tệ toàn cầu trong hơn 2.500 năm. Nó cũng có vai trò to lớn trong mọi ngôn ngữ, tôn giáo và văn hóa.

Cụm từ “quý như vàng” khá phổ biến trong nhiều ngôn ngữ. Vàng được dùng để đúc những phần thưởng cao quý nhất trong các sự kiện thể thao, như Olympic hay World Cup. Do đó, chẳng có gì lạ khi mọi người dành tình cảm đặc biệt cho vàng và luôn sẵn sàng tích trữ kim loại quý này dù giá của nó tăng hay giảm.

ĐỐI TÁC

Hình ảnh

Nhà nhỏ xinh
BẤT ĐỘNG SẢN

THỐNG KÊ

Lượt truy cập: 1820703
Đang online: 24