Để trẻ nằm điều hoà mà không mắc bệnh đường hô hấp.

Share on FacebookShare on Google+Tweet about this on TwitterShare on LinkedIn
Cập nhật: 5/30/2013 - Số lượt đọc: 9254

Để trẻ nằm điều hoà mà không mắc bệnh đường hô hấp.

Nắng nóng “kỷ lục” như ở Hà Nội hiện nay, cho bé ở phòng bật điều hòa là giải pháp tối ưu. Mẹ chú ý cách chăm sóc, phòng tránh cho bé bị các bệnh về đường hô hấp.

 

Điều hòa sẽ tạo cho bé một không gian mát mẻ trong ngày nắng oi ả. Nhưng nếu sử dụng điều hòa không đúng cách, sẽ dẫn tới phản tác dụng, ảnh hưởng tới sức khỏe, đặc biệt là với trẻ nhỏ. Bé “nghiện” điều hòa dễ bị tăng các nguy cơ bị mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và bệnh dị ứng đường hô hấp như viêm mũi dị ứng, viêm xoang và hen suyễn.

Mẹ cần  biết cách sử dụng điều hòa hợp lý để không làm ảnh hưởng tới con.

Tránh sự thay đổi nhiệt độ đột ngột

Khi bé ở ngoài nắng về, ra nhiều mồ hôi, tránh cho trẻ vào ngay phòng dùng điều hòa quá lạnh. Mẹ nên lau khô mồ hôi cho bé, để bé ngồi một lát ở phòng không bật điều hòa khoảng vài phút rồi mới để bé vào phòng bật điều hòa.

Nên để nhiệt độ điều hòa ở phòng có trẻ con khoảng 280C - 290C để tránh sự thay đổi nhiệt độ đột ngột hoặc sự chênh lệch nhiệt độ quá nhiều.

Nếu bé muốn ra ngoài, mẹ lại mở cửa phòng, cho bé đứng vài phút cho quen với môi trường xung quanh. Nên hạn chế việc cho bé ra vào phòng máy lạnh thường xuyên để tránh hiện tượng thay đổi đột ngột với những ngày trời quá nắng nóng.

Không nên ở phòng điều hòa quá lâu

Ngoài giấc ngủ ban đêm bật điều hòa liên tục, thời gian còn lại trong ngày, không nên để bé ở phòng máy lạnh quá lâu, khoảng 4 giờ liên tục. Tốt nhất, khoảng 2 – 3 giờ, mẹ nên cho bé ra ngoài nhiệt độ bình thường một lần.

Để nhiệt độ bao nhiêu là hợp lý?

Không nên để nhiệt độ trong phòng quá lạnh, vừa đỡ hại cho sức khỏe, vừa đỡ tốn điện. Sự chênh lệch nhiệt độ trong phòng với môi trường bên ngoài càng ít càng tốt. Nhà có trẻ nhỏ, nên để nhiệt độ khoảng 280C - 290C là tốt nhất. Tất nhiên mẹ phải xem xét giữa công suất điều hòa, diện tích phòng, loại máy điều hòa có làm lạnh sâu không để điều chỉnh nhiệt độ hợp lý.

Không nên để nhiệt độ  thấp kéo dài liên tục trong đêm. Tránh mở cửa hay để không khí bên ngoài tràn vào phòng điều hòa quá nhiều.

Vệ sinh điều hòa và vệ sinh phòng

Mẹ chú ý về việc vệ sinh  máy điều hòa định kỳ, tránh các loại nấm mốc, mầm bệnh lưu trú trong máy. Nếu không, điều hòa lại trở thành nguồn gốc phát sinh bệnh cho trẻ em. Phòng bật điều hòa thường xuyên cũng phải được dọn dẹp sạch sẽ. Khi không bật điều hòa, mở cửa phòng cho thoáng khí.

Chăm sóc bé ở trong phòng điều hòa nhiều

Cho bé uống nhiều nước, đặc biệt là trong thời tiết nóng bức và bé ở phòng điều hòa nhiều, để tránh hiện tượng mất nước khi ở lâu trong phòng bật điều hòa. Hiện tượng mất nước ở trẻ nhỏ sẽ làm suy giảm cơ chế bảo vệ tại chỗ vệ sinh đường thở.

Nên nhỏ mũi thường xuyên cho bé bằng dung dịch nước muối sinh lý để giữ độ ẩm cần thiết trong cơ thể, tránh khô mũi.

Cho bé ăn những loại thức ăn, đồ uống giải nhiệt như nước cam nước chanh, bột sắn dây.

Khi ngủ, hãy đắp cho bé một tấm chăn mỏng, đặc biệt chú ý che kín vùng bụng, tránh sau khi trẻ ngủ say lỗ chân lông giãn nở và bị cảm lạnh.

Bảo Châu - afamily.vn
(Tổng hợp)

ĐỐI TÁC

Hình ảnh

Nhà nhỏ xinh
BẤT ĐỘNG SẢN

THỐNG KÊ

Lượt truy cập: 1871699
Đang online: 23