Vệ sinh điều hoà
Bên cạnh việc mua một chiếc máy lạnh để chống nóng, người tiêu dùng còn phải tìm nơi “chọn mặt gửi vàng” để chăm sóc, bảo trì, bảo dưỡng máy lạnh nhằm tiết kiệm điện và tiết kiệm tiền.
Cạnh tranh bằng giá “bèo”
Người tiêu dùng cần hỏi kỹ về giá, sự cố hư hỏng và cách khắc phục trước khi sử dụng dịch vụ bảo trì, sửa chữa máy lạnh.
Ông Vinh, chủ cửa hàng điện lạnh T.V, đường An Dương Vương, quận 5 cho biết: “Mùa nóng năm nay gay gắt nên việc dùng máy lạnh liên tục đã khiến các nhân viên bảo trì của cửa hàng làm việc không xuể. Trung bình một ngày phục vụ khoảng 4 – 5 địa chỉ, cao điểm rơi vào những ngày thứ bảy, chủ nhật có thể lên đến 7 – 8 địa chỉ. Giá dịch vụ năm nay cũng không biến chuyển nhiều như mọi năm, bình quân khoảng 50.000 đồng/máy ”.
Do nhu cầu tăng, giá lại rẻ nên công việc vệ sinh máy lạnh trở thành dịch vụ nóng sốt trong mùa nóng. Tuy nhiên, nhiều cửa hàng điện lạnh cũng nhân dịp này cạnh tranh không lành mạnh hoặc dùng những chiêu thức nhằm kiếm thêm lợi nhuận.
Cửa hàng T.T ở đường Hậu Giang, quận 6 đã giảm mức vệ sinh máy lạnh xuống còn 35.000 đồng/máy, lắp đặt máy chỉ có 90.000 đồng/máy, kiểm tra miễn phí… Anh Ngọc Tùng, thợ bảo trì máy lạnh ở đường Nguyễn Thượng Hiền, quận 3, nhận xét: “Với mức giá như vậy không đủ chi phí tiền xăng, cơm nước thì làm sao có lợi nhuận. Thực ra những cửa hàng này dùng chiêu thức giá rẻ để làm vệ sinh nhưng thực chất là kiếm chuyện để bơm gas, báo máy bị lỗi nhằm kiếm thêm tiền và công làm”. Ông Đình Cừ, nhà ở đường Ngô Quyền, quận 10 kể: “Do mùa nóng nên máy lạnh trong nhà hoạt động liên tục, tôi nhờ dịch vụ bảo trì tới làm vệ sinh. Nhân viên sau khi đã xịt rửa máy và cho hoạt động lại thì lấy tay huơ nhẹ ở vị trí dàn lạnh và phán ngay máy cũ rồi, gas hơi yếu, phải bơm thêm gas thì máy mới lạnh và tiết kiệm điện”. Thế là ông Cừ phải tốn thêm 120.000 đồng tiền bơm gas sau khi đã trả 50.000 đồng tiền vệ sinh máy lạnh.
Bơm gas là một chiêu thức khá quen thuộc được nhiều nhân viên vệ sinh máy lạnh sử dụng để kiếm thêm tiền. Anh Phạm Hữu Tâm, kỹ sư điện lạnh của diễn đàn Nhiệt điện lạnh Việt Nam nhận xét: “Quy trình vệ sinh máy lạnh thường phải súc rửa dàn nóng/lạnh nên nhân viên vệ sinh sẽ dùng chiêu thức hút sạch gas của một trong hai dàn nóng hoặc lạnh, dồn gas về một đầu rồi bắt đầu xịt rửa. Như vậy lượng gas sẽ bị hao hụt, và việc bơm lại gas chính là duy trì lại cho máy có độ lạnh tốt, vừa đủ điều kiện để làm hài lòng khách hàng”. Như vậy, việc bơm gas trong quá trình vệ sinh máy lạnh mới chính là nguồn thu chính cho dịch vụ này phát triển, còn mức giá “hương hoa” 35.000 – 50.000 đồng chỉ là công cho nhân viên bảo trì đi và về cho từng địa chỉ.
“Bệnh” được vẽ thêm
Chị Ngọc Mỹ, nhà ở đường Trần Hưng Đạo, quận 5 cho biết, nhà chị cho thuê nên có nhiều hộ gia đình cùng ở, mỗi hộ đều lắp đặt máy lạnh nên phải nhờ tới dịch vụ “chăm sóc” máy lạnh. Khi nhân viên kỹ thuật đến tư vấn dịch vụ, chị mới biết họ có sẵn một khung bản liệt kê công việc với giá cả cố định như: lắp đặt máy: 150.000 đồng/bộ, dời máy 200.000 đồng/bộ, tháo máy 100.000 đồng/bộ. Chưa hết, họ còn liệt kê ra một bản chi tiết khác như giá eke trắng bắt tường làm giá đỡ 80.000 đồng/bộ, ống đồng (gas khí lạnh) từ 100 – 120.000 đồng/m, dây điện, dây thoát nước, CB điện… mỗi thứ cộng lại thì khi đụng vào máy lạnh trong nhà cũng tốn khoảng 1 triệu đồng/máy.
Chị kể tiếp: “Có lần theo yêu cầu người thuê nhà, mình dời dàn nóng ngoài ban công ra xa thêm 4m (cho hai máy lạnh) mà công thực hiện, đi dây lại hệ thống tiêu tốn cũng hết 1,4 triệu đồng. Tưởng như vậy là xong, một máy lạnh chạy được hai ngày thì thành quạt mát vì gas lạnh bị xì hết, thế là lại nhờ nhân viên đến tháo ra bơm gas. Chạy thêm được một tuần thì bệnh cũ tái phát (hết gas lạnh), lại kêu thợ đến và lần này cắt bỏ đoạn bị xì thay mới, bơm gas lại tiếp theo, tiêu tốn thêm 200.000 đồng nữa”.
Ông hàng xóm có đứa con trai làm điện lạnh khi nghe chuyện chạy qua xem lại hệ thống thì phát hiện nhân viên dịch vụ bảo trì làm việc theo sự “sắp đặt” trước. Cậu ta giải thích thay vì khi dời máy lạnh ra xa, nên chọn giải pháp thay toàn bộ ống đồng mới cho khách hàng thì lại dùng chiêu nối ống đồng do giá rẻ hơn. Giải pháp này có tính rủi ro cao, khi nối không kỹ lưỡng thì việc xì gas sẽ xảy ra. Sau đó để khắc phục, nhân viên lại tìm cách cắt bỏ đoạn nối bị xì và thực hiện lại đoạn nối mới nhưng không thành công. Lần cuối cùng họ đành thay mới nhưng lại bảo với khách hàng là chỉ tính tiền bơm gas cho thêm độ lạnh… Tất nhiên toàn bộ quy trình chỉ có nhân viên kỹ thuật mới biết với nhau, còn người tiêu dùng hoàn toàn thua thiệt.